Theo Thông tư, khi được cấp có thẩm quyền giao thực hiện hoạt động công vụ, công chức có trách nhiệm:Mặc trang phục, đeo biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu theo đúng quy định; thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao hoặc phân công; ghi sổ Nhật ký công tác trước khi thực hiện nhiệm vụ và sau khi có kết quả thực hiện nhiệm vụ; Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan và sự chỉ đạo, điều hành của người có thẩm quyền khi hoạt động công vụ; giữ gìn đoàn kết, thực hiện dân chủ cơ sở, văn hóa công sở; Xử lý, giải quyết công việc đúng phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được giao, đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và chương trình, kế hoạch, lịch làm việc của cơ quan; Thực hiện hoặc chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện việc phát ngôn hoặc cung cấp thông tin đúng quy định; Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, ấn chỉ, Thẻ kiểm tra thị trường, tài sản công được cấp hoặc được giao đúng quy định.
Bên cạnh đó, phải thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ trong cơ quan; Thực hiện các trách nhiệm khác của công chức theo pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, công chức lãnh đạo còn có trách nhiệm: Hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hoạt động công vụ của công chức do mình quản lý; Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyên giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động công vụ của công chức do mình quản lý; Phát hiện, xử lý kịp thời, đúng mức, đúng thẩm quyền đối với công chức vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra các vi phạm trong hoạt động công vụ tại cơ quan do mình quản lý theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Thông tư cũng quy định rõ những việc không được làm trong hoạt động công vụ, như: việc thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ trong cơ quan; Cụ thể như không được có hành vi, cử chỉ, thái độ không đúng mực, lăng mạ, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức trong hoạt động công vụ.
Bên cạnh đó, không giải quyết hoặc không tham mưu, ban hành văn bản trả lời liên quan đến chế độ, chính sách đúng thời hạn làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa hợp pháp hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân.
Đáng lưu ý, cán bộ quản lý thị trường cũng không được lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
Không được gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, không được thu tiền xử phạt không đúng quy định; tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền thu phạt hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ hoặc tịch thu; sửa chữa hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán để tham ô, chiếm đoạt tiền phạt hành chính hoặc tang vật vi phạm hành chính…
Nếu công chức vi phạm quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Các vi phạm trong hoạt động công vụ phải bị xử lý và tùy theo mức độ để áp dụng quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2019./.