Việc thực hiện quyền yêu cầu Cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ mà mình đang lưu giữ trên thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau.
(Bài viết của LS Đồng Nam Đàn trên Báo bảo vệ công lý)
- Quy định về quyền của đương sự trong yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự:
Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rõ trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, theo đó: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Viện kiểm sát) tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát.”
Khoản 6 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền của đương sự như sau: “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.”
Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rõ đương sự có quyền yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp cho đương sự tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý.
- Những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật thực hiện quyền yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự:
- Vướng mắc do pháp luật chưa thực sự rõ ràng:
Liên quan đến cách hiểu về thời điểm, khi nào thì được gọi là đương sự như chúng tôi đã đặt vấn đề tại mục 1 trên thì:
- Nếu hiểu theo quan điểm thứ nhất (ngay từ thời điểm nộp đơn khởi kiện) thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý, qua đó người nộp đơn cung cấp cho Tòa án làm căn cứ thụ lý giải quyết vụ việc.
Theo quan điểm của tác giả, thì hiểu theo cách này sẽ phù hợp hơn với các khái niệm về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Theo Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó pháp luật không đặt ra vấn đề đã thụ lý hay chưa thụ lý để làm căn cứ xác định tư cách của các đương sự;
- Nếu hiểu theo quan điểm thứ hai (kể từ khi Tòa án thụ lý), thì người đang trong quá trình nộp đơn khởi kiện sẽ không có quyền và các cơ quan, tổ chức cũng không có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ; và khả năng cao sẽ bị Tòa án trả lại đơn do không cung cấp được đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng “con gà, quả trứng”, người khởi kiện bị kẹt ở giữa, một đằng thì phải cung cấp các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa, trong khi đó lại chưa có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp; và nếu hiểu theo cách này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của công dân được pháp luật bảo vệ.
Hiện tại có một số cơ quan, tổ chức đang hiểu theo cách thứ hai (vụ việc chưa được thụ lý nên người có đơn khởi kiện chưa phải đương sự), từ đó từ chối và không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người khởi kiện, dẫn đến đơn khởi kiện bị Tòa trả lại đơn.
- Vướng mắc do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn:
Như đã phân tích ở trên, thì Bộ luật tố tụng dân sự hiện tại quy định rõ đương sự có quyền yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp cho đương sự tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có sự thống nhất và đồng bộ trong các văn bản pháp luật liên quan đến việc cung cấp thông tin tài liệu cho đương sự, cụ thể như quy định tại các văn bản luật và dưới luật sau:
- Khoản 3 Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 về bảo mật thông tin thì chỉ có hai đối tượng được cung cấp thông tin là cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật và chính khách hàng:
“3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.”
- Khoản 1 Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng có quy định chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được yêu cầu cung cấp thông tin người tiêu dùng:
“1. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”
- Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật cư trú, theo đó thì đương sự cũng không phải là đối tượng được phép yêu cầu cung cấp thông tin liên quan về cư trú, cụ thể:
“Các trường hợp được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú:
- a) Cơ quan tiến hành tố tụng được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;
- b) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu cư trú để phục vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;”
Như vậy, có thể thấy không phải thông tin, tài liệu nào đương sự cũng được quyền yêu cầu cung cấp, mặc dù đây là những thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ lý và giải quyết vụ án của đương sự.
- Kiến nghị:
Từ thực trạng trên có thể thấy, luật tố tụng dân sự đã quy định theo hướng mở nhằm tạo điều kiện và đảm bảo quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, các quy định pháp luật chuyên ngành khác thì lại không cho phép và các quy định này quy định chung chung và gần như bao trùm toàn bộ các mặt đời sống xã hội như (Thông tin về người tiêu dùng, thông tin về mảng ngân hàng và thậm chí thông tin liên quan về cư trú…), dẫn tới gần như vô hiệu hóa quy định trong Bộ luật tố tụng dân dự về quyền của đương sự. Đề giải quyết các vướng mắc trên, theo ý kiến của tác giả cần có giải pháp sau:
- Giải pháp trước mắt:
- Cần có hướng dẫn cụ thể thống nhất về cách hiểu thời điểm hình thành tư cách đương sự là kể từ ngày Tòa án nhận đơn khởi kiện, tránh các cách hiểu khác nhau ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền của đương sự trong việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ; và
- Phải có hướng dẫn cụ thể về các thông tin, tài liệu mà văn bản pháp luật khác quy định chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được quyền yêu cầu cung cấp như đã phân tích trên thì Tòa án phải là người thu thập và không được trả lại đơn vì lý do đương sự không cung cấp được các thông tin, tài liệu đó.
Giải pháp lâu dài: Phải đồng bộ hóa các quy định của pháp luật hoặc cần phải liệt kê, phân biệt rõ các thông tin, tài liệu nào cần phải bảo vệ tuyệt đối chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiếp cận (như là thông tin mật, tuyệt mật liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh …) và thông tin, tài liệu nào đương sự có quyền yêu cầu cung cấp phục vụ việc thụ lý và giải quyết vụ án. Không thể quy định chung chung và đánh đồng bao trùm toàn bộ các thông tin, tài liệu như các quy định hiện hành như đã được phân tích ở trên.
Luật sư Đồng Nam Đàn – GĐ Công ty Luật Đồng Thắng
VPGD: Số 16, ngõ 4/3, Dương Khuê, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: 0943092886